Với tình huống như trong clip, tài xế xe có camera hành trình, khi hoàn toàn không nhìn thấy đường phía trước, đã buộc phải cho ô tô lùi lại, chờ xe đang rọi đèn pha đi qua.
Các đoạn hội thoại trong clip cho thấy, có vẻ như nữ tài xế chiếc xe con màu đen thậm chí còn không biết cách tắt đèn pha, nên dù được tài xế xe có camera hành trình nhắc nhở nhưng vẫn không hạ đèn.
Đèn chiếu xa, hay còn gọi là đèn pha, có cường độ ánh sáng mạnh, chiếu xa hơn giúp người điều khiển xe quan sát đường phía trước tốt hơn. Tuy nhiên, chỉ sử dụng chế độ đèn này khi đi đường trường, đường cao tốc, còn trong khu đô thị, nơi đông dân cư, nếu dùng thì sẽ khiến người đối diện bị lóa mắt, mất tầm nhìn, dễ dẫn tới tai nạn.
Ví dụ, vào tháng 1/2024, hai người đi xe máy trên Quốc lộ 2, đoạn qua xã Yên Kiện, tỉnh Phú Thọ, bị đèn pha xe ô tô đi ngược chiều gây chói mắt, không nhìn thấy đường và xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Hậu quả là xe máy biến dạng, còn cả hai nạn nhân đều trong tình trạng đau đớn, với một người bị dập nát phần đùi trái, và một người bị lóc da bàn chân, biến dạng khủyu tay trái.
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng quy định nghiêm cấm hành vi bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22h đến 5h, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định. Đồng thời, xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau không được dùng đèn chiếu xa.
Về việc xử lý vi phạm, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, hoặc sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều.
Ngoài ra, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng nếu gây ra tai nạn.
Đối với người đi xe máy, mức phạt sẽ là từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Mức phạt như trên có lẽ chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của việc sử dụng đèn pha sai cách.
Theo: Dân Trí