Tình huống diễn ra vào ngày 13/12 trên đường Hai Bà Trưng, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo đó, chiếc ô tô bật đèn xi-nhan và dừng luôn trên làn ngoài cùng bên trái, sát dải phân cách giữa hai làn đường. Sau đó, một người phụ nữ bước ra khỏi xe và đi sang bên đường.
Mức phạt đối với việc dừng, đỗ xe sai quy định
Điều 18 Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 có quy định về khái niệm dừng hoặc đỗ xe trên đường phố; cụ thể như sau: Dừng xe được hiểu là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác.
Trong khi đó, đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện không giới hạn thời gian.
Về mức phạt, Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP, quy định mức phạt đối với người điều khiển ô tô như sau:
Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng: Không có tín hiệu báo cho người cùng tham gia giao thông biết khi dừng, đỗ xe; khi đỗ xe chiếm một phần đường giao thông không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm theo quy định.
Ngoài ra, trong trường hợp gây ra tai nạn giao thông, người điều khiển phương tiện vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.
Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng: Dừng, đỗ phương tiện trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; dừng, đỗ phương tiện không sát mép đường phía bên phải theo chiều đi (ở nơi đường có lề đường hẹp hoặc không có lề đường); dừng, đỗ xe ngược với chiều lưu thông của làn đường;
Dừng, đỗ phương tiện trên dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy; dừng xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi. Hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25m; dừng, đỗ phương tiện trên đường xe điện, xe buýt; dừng, đỗ xe không đúng vị trí quy định ở những đoạn có bố trí nơi dừng/đỗ phương tiện.
Dừng, đỗ xe trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; dừng xe nơi có biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”.
Ngoài ra, trong trường hợp gây ra tai nạn giao thông, người điều khiển phương tiện vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng: Không tuân thủ các quy định về dừng, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt. Hoặc dừng, đỗ phương tiện trong phạm vi an toàn của đường sắt.
Dừng, đỗ xe tại các vị trí: Đường bộ giao nhau hoặc trong phạm vi 5m tính từ mép đường giao nhau; điểm dừng đón, trả khách của xe buýt; trước cổng hoặc trong phạm vi 5m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức có bố trí đường cho xe ô tô ra vào;…
Đỗ phương tiện không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi. Hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25m; đỗ phương tiện trên đường xe điện, xe buýt;
Đỗ xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho phương tiện chữa cháy lấy nước; đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật; đỗ xe nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”.
Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng: Dừng xe, đỗ xe tại vị trí: Bên trái đường một chiều hoặc bên trái (theo hướng lưu thông) của đường đôi; trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc nơi tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt, song song với một xe khác đang dừng, đỗ;
Dừng, đỗ phương tiện, quay đầu xe trái quy định gây ách tắc giao thông; dừng, đỗ, vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định.
Ngoài ra, người điều khiển phương tiện vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng: Dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu để người lái xe khác biết khi buộc phải dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; quay đầu xe trên đường cao tốc
Dừng, đỗ, quay đầu, lùi, tránh, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông.
Ngoài ra, người điều khiển phương tiện sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.
Cần làm gì khi ô tô gặp sự cố, buộc phải dừng giữa đường?
Việc đầu tiên tài xế cần làm lúc này là bật đèn khẩn cấp, để các tài xế khác nhận biết có xe đang gặp sự cố, chủ động tránh từ xa, hạn chế nguy cơ tai nạn dồn toa.
Tiếp theo, nếu ô tô gặp sự cố nhưng vẫn có thể di chuyển, hãy bật đèn xi-nhan và khẩn trương đưa xe vào làn dừng khẩn cấp.
Nếu ô tô không thể di chuyển tiếp, với các xe nhỏ, hãy tìm cách đẩy; nếu cần, có thể ra tín hiệu tìm kiếm sự hỗ trợ của các tài xế khác. Cần cố gắng để xe nằm trọn vẹn trong làn dừng khẩn cấp, không lấn ra làn xe chạy, dễ gây tai nạn.
Thứ ba, cần di chuyển ra khỏi xe. Việc này nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người ngồi trên xe. Khi ra khỏi xe, cần chú ý mở cửa phía bên không hướng ra làn xe chạy, chú ý quan sát, bước ra cẩn thận. Sau khi ra khỏi xe, cần lập tức di chuyển ra phía sau lan can đường hoặc khu vực càng xa làn đường xe chạy càng tốt.
Thứ tư, cần đặt các vật cảnh báo nguy hiểm phía sau xe. Các vật dụng cảnh báo nguy hiểm, như tam giác phản quang, cọc tiêu hình nón, đèn nháy, áo phản quang…, nên được chuẩn bị sẵn trên ô tô, nhất là trước những hành trình cần di chuyển trên đường cao tốc hoặc vào buổi đêm.
Nếu có thể, hãy xếp các cọc tiêu hình nón tạo thành một barrier di động, để các xe khác không lao vào khu vực có xe gặp sự cố.
Nếu không mang sẵn trên xe các vật dụng cảnh báo nguy hiểm như tam giác phản quang hay cọc tiêu hình nón, thì có thể sử dụng cành cây lớn, đèn pin… để thu hút sự chú ý của các tài xế khác.
Cuối cùng, hãy gọi điện vào đường dây cứu hộ.
Theo: Dân Trí