Khi nào được vượt đèn vàng? Mức phạt vượt đèn vàng là bao nhiêu?

Khi nào được vượt đèn vàng?

Theo Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008, tín hiệu đèn giao thông có ba màu, được quy định như sau:

– Tín hiệu xanh là được đi;

– Tín hiệu đỏ là cấm đi;

– Tín hiệu vàng là người tham gia giao thông phải dừng xe trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Khi nào được vượt đèn vàng? Mức phạt vượt đèn vàng là bao nhiêu? - 1

Theo quy định pháp luật hiện hành, người tham gia giao thông vượt đèn vàng cũng bị phạt như vượt đèn đỏ (Ảnh minh họa: Hoàng Lam).

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 cũng quy định tương tự về đèn vàng, cụ thể hơn một chút như sau:

Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp; trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác.

Điều 10 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT cũng có quy định tương tự: Tín hiệu vàng: báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn từ xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “Vạch dừng xe”.

Nếu không có vạch sơn “Vạch dừng xe”, thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn “Vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau.

Như vậy, người điều khiển phương tiện giao thông có thể vượt đèn vàng trong các trường hợp sau:

– Đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng;

– Đèn màu vàng nhấp nháy (chú ý quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác).

Ngoài ra, Điều 11 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.

Điều 8 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT cũng quy định: Người tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm chỉnh hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, kể cả trong trường hợp hiệu lệnh trái với tín hiệu của đèn điều khiển giao thông, biển báo hiệu hoặc vạch kẻ đường.

Do đó, nếu người tham gia giao thông vượt đèn vàng theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông thì không bị xem là vi phạm pháp luật và không bị phạt.

Mức phạt đối với hành vi vượt đèn vàng

Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP không quy định cụ thể lỗi vượt đèn vàng hay đèn đỏ, mà chỉ quy định lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. 

Theo đó, người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị xử phạt hành chính từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

Người điều khiển xe mô-tô và xe gắn máy (kể cả xe máy điện) không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị xử phạt hành chính từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng, cùng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

Người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô có hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng, và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng (từ 2 tháng đến 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông).

Theo: Dân Trí