Mua bảo hiểm TNDS để không bị phạt
Khoản 1 Điều 2 Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định chủ xe cơ giới tham gia giao thông và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới.
Mức phí bảo hiểm TNDS bắt buộc hiện nay là 60.000 đồng/năm đối với mô-tô, xe gắn máy, và từ 437.000 đồng/năm trở lên đối với ô tô, tùy theo mục đích sử dụng xe.
Không ít chủ xe mua bảo hiểm bắt buộc TNDS chỉ mang tính chất đối phó, nhiều khi hết hạn cũng không biết (Ảnh minh họa: Nhật Minh).
Nếu không mua hoặc không mang theo loại bảo hiểm này còn hạn khi tham gia giao thông thì người điều khiển mô-tô, xe gắn máy sẽ bị xử phạt 100.000-200.000 đồng, còn người điều khiển ô tô sẽ bị xử phạt 400.000-600.000 đồng, theo điểm b khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Do đó, việc chủ ô tô và xe máy mua bảo hiểm TNDS để không bị phạt là đúng. Nhưng hơn thế, việc này còn giúp bảo vệ tài chính cho chủ xe trước những rủi ro bất ngờ.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa nắm rõ quyền lợi của mình khi mua bảo hiểm loại này; và một trong những minh chứng chính là những trường hợp bỏ chạy sau khi gây va chạm giao thông.
Tự từ bỏ quyền lợi bảo hiểm
Bảo hiểm TNDS chủ xe sẽ bảo hiểm trong các trường hợp xảy ra rủi ro, tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm. Người điều khiển xe cơ giới có bằng lái hợp pháp sẽ không phải đền bù cho người bị va chạm và cho người ngồi trực tiếp trên xe. Trách nhiệm này thuộc về công ty bảo hiểm.
Cụ thể, mức trách nhiệm bảo hiểm của đơn vị bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn. Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô, xe máy gây ra là 50 triệu đồng/1 vụ tai nạn; đối với thiệt hại về tài sản do xe ô tô gây ra là 100 triệu đồng/1 vụ tai nạn.
Ngoài việc bồi thường cho chủ xe, một phần số tiền bảo hiểm sẽ được sử dụng để hỗ trợ nạn nhân khi gặp tai nạn giao thông.
Trong trường hợp không xác định được xe gây tai nạn hoặc tai nạn không thuộc phạm vi bảo hiểm, đơn vị bảo hiểm cũng sẽ hỗ trợ bồi thường nhân đạo cho nạn nhân số tiền lên đến 20 triệu đồng/người.
Bảo hiểm TNDS bắt buộc xe cơ giới sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp như: hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe, hoặc của người bị thiệt hại; lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện TNDS của chủ xe, lái xe cơ giới; lái xe không có bằng lái hoặc bằng lái không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có bằng lái…
Thủ tục bồi thường bảo hiểm bắt buộc TNDS như thế nào?
Để được bồi thường bảo hiểm bắt buộc TNDS, trước tiên, chủ xe phải thông báo vụ việc vào đường dây nóng cho công ty bảo hiểm ngay sau khi xảy ra tai nạn. Khi liên lạc với công ty bảo hiểm, chủ xe nên ghi âm để đảm bảo quyền lợi của bản thân.
Sau đó, chủ xe phải gửi thông báo bằng văn bản hoặc thông qua hình thức điện tử trong 5 ngày làm việc kể từ khi xảy ra tai nạn, trừ trường hợp trở ngại khách quan hoặc bất khả kháng.
Bước 2 là chủ xe phối hợp với công ty bảo hiểm giám định mức độ tổn thất trong vòng 24 giờ sau khi xảy ra tai nạn.
Trong vòng một giờ sau khi nhận được thông báo về vụ tai nạn, công ty bảo hiểm có trách nhiệm hướng dẫn bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm các biện pháp bảo đảm an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục.
Bước 3 là công ty bảo hiểm tạm ứng bồi thường bảo hiểm bắt buộc ô tô đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng trong cả trường hợp đã hoặc chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại.
Việc này phải được thực hiện trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của chủ phương tiện về vụ tai nạn.
Bước 4 là chủ xe nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm, gồm: văn bản yêu cầu bồi thường; tài liệu liên quan đến xe, người lái xe; tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng; tài liệu chứng minh thiệt hại đối với tài sản; và quyết định của tòa án (nếu có).
Các giấy tờ khác trong hồ sơ hợp lệ sẽ do doanh nghiệp bảo hiểm thu thập.
Theo: Dân Trí