Sau khi được công bố giá bán lẻ đề xuất vào đầu tháng 12, những chiếc Mazda CX-8 2025 đầu tiên đã được đưa về đại lý. Đây chỉ là phiên bản nâng cấp giữa vòng đời, với 3 biến thể. Trong đó, Signature là bản mới được bổ sung; cắt bỏ 2 bản Premium sử dụng hệ dẫn động 4 bánh AWD.
Phiên bản | Giá niêm yết (đồng) |
Luxury | 969.000.000 |
Premium | 1.049.000.000 |
Signature AWD | 1.149.000.000 |
Chi tiết giá bán lẻ đề xuất mới của Mazda CX-8 2025.
So với đời cũ, giá bán lẻ đề xuất của Mazda CX-8 2025 tăng lần lượt 20 triệu và 25 triệu đồng ở 2 phiên bản Luxury và Premium. Biến thể Signature có giá bán 1,129 tỷ đồng, đắt hơn 20 triệu đồng so với “giá trần” trước đây.
Trong phân khúc crossover cỡ D, mức giá của CX-8 vẫn đang khá hấp dẫn so với các đối thủ. Ford Everest đang có mức khởi điểm 1,099 tỷ đồng và bản cao nhất 1,545 tỷ đồng; Hyundai Santa Fe có giá niêm yết 1,069-1,365 tỷ đồng.
Với mức tăng giá 20-25 triệu đồng so với đời cũ, Mazda CX-8 2025 có một số thay đổi về trang bị. Giờ đây, tất cả các phiên bản của mẫu crossover cỡ D này được trang bị ghế da Nappa, cảm biến áp suất lốp, cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi, cảnh báo điểm mù và gói công nghệ an toàn i-Activsense.
Ngoài ra, bản Premium và Signature có thêm hệ thống hỗ trợ lái trên đường cao tốc và kẹt xe CTS. Cụ thể, hệ thống này hỗ trợ duy trì khoảng cách với xe phía trước đồng thời giữ và định tâm làn đường.
Những nâng cấp mới về tính năng an toàn giúp Mazda CX-8 2025 sở hữu hàm lượng công nghệ an toàn ngang hàng với các đối thủ “sừng sỏ” ở phân khúc như Ford Everest hay Hyundai Santa Fe. Tuy nhiên, trang bị tiện nghi của mẫu xe Nhật lại không có nhiều điểm mới đáng chú ý.
Thiết kế không gian nội thất của CX-8 2025 quen thuộc. Có giá ở ngưỡng 1 tỷ đồng, mẫu xe này vẫn sử dụng cụm đồng hồ dạng analog kết hợp với màn hình LCD 7 inch và màn hình giải trí 8 inch như trước; trong khi Ford Everest hay Hyundai Santa Fe đều có đồng hồ điện tử và màn hình giải trí lớn hơn CX-8.
Những trang bị tiện nghi còn lại của Mazda CX-8 2025 vẫn đủ dùng và có phần cao cấp, nhưng khi đặt lên “bàn cân” cùng các đối thủ, mẫu xe Nhật sẽ có cảm giác yếu thế hơn. Ví dụ như CX-8 mới chỉ có cửa sổ trời đơn, trong khi Everest có cửa sổ trời toàn cảnh, Santa Fe có cửa sổ trời độc lập ở khoang trước/sau.
Xe có sưởi ghế nhưng lại thua “đàn em” CX-5 khi thiếu tính năng làm mát. Theo đánh giá của không ít người dùng thì tại Việt Nam, tính năng sưởi ghế có phần không thiết thực bằng làm mát, thông gió.
Về khả năng vận hành, Mazda CX-8 2025 vẫn sử dụng khối động cơ 2.5L hút khí tự nhiên tương tự đời trước, do chỉ là bản nâng cấp giữa vòng đời. Hệ dẫn động 4 bánh AWD chỉ có trên bản Signature, 2 bản thấp sử dụng dẫn động cầu trước.
Kết hợp với hộp số tự động 6 cấp, động cơ của xe sản sinh công suất tối đa 188 mã lực và mô-men xoắn cực đại đạt 252Nm. Theo trải nghiệm của phóng viên báo Dân trí, cấu hình này vẫn đáp ứng được hầu hết nhu cầu di chuyển hàng ngày của người dùng.
Xe sở hữu nước ga đầu khá khỏe khoắn nhưng có xu hướng giữ tua, do hộp số sang số chậm và đáng tiếc là CX-8 lại không được trang bị lẫy chuyển số như CX-5. Vô-lăng của xe khá chính xác và có độ phản hồi tốt, độ xiết vừa phải phù hợp với cả nam lẫn nữ.
Hệ thống treo của xe có phần hơi mềm, vẫn có độ “chòng chành” nhẹ khi vào cua gấp. Bù lại, thiết lập này sẽ phục vụ tốt nhu cầu di chuyển trong đô thị, khi kết hợp với khả năng cách âm môi trường tốt. Hạn chế là khả năng cách âm của khoang động cơ vẫn còn không gian cần cải thiện.
Nhìn chung, những nâng cấp mới của CX-8 2025 khó đủ làm người dùng phải “wow” nhưng dường như đó cũng là đặc trưng của Mazda, hay ít nhất là Mazda tại Việt Nam. Mẫu xe này sẽ thỏa mãn được những khách hàng yêu thích thiết kế kiểu CX-5 nhưng cần một mẫu xe 3 hàng ghế.
CX-8 mới vẫn có cơ hội cải thiện doanh số vốn không quá ấn tượng trong phân khúc. Tính từ đầu năm 2024 đến hết tháng 10, Mazda CX-5 đang là sản phẩm bán chạy nhất phân khúc C-SUV với tổng cộng 11.248 xe được tiêu thụ; nhưng kết quả bán hàng của CX-8 chỉ nằm ở tầm trung của nhóm crossover cỡ D.
Cụ thể, mẫu xe 7 chỗ đến từ thương hiệu Nhật Bản tiêu thụ được 2.105 chiếc trong 10 tháng đầu năm, cao hơn những cái tên như Kia Sorento, Mitsubishi Pajero Sport hay Isuzu mu-X. Tuy nhiên, CX-8 còn khoảng cách không nhỏ với Hyundai Santa Fe (4.906 xe) và Ford Everest (8.434 chiếc).
Theo: Dân Trí