Nếu xảy ra chập điện hoặc tiếp xúc gần nguồn lửa thì xe điện và xe động cơ đốt trong có nguy cơ cháy như nhau, nhưng thực tế là chữa cháy xe điện khó hơn xe xăng.
Có thể chữa cháy cho một chiếc xe động cơ đốt trong bằng bình cứu hỏa hoặc trùm kín chăn ẩm lên xe để cắt nguồn cung oxy, trong khi cách duy nhất để khống chế một chiếc xe điện bị cháy là kiểm soát nguồn cháy, cách li chiếc xe, vì nó có thể cháy lại nhiều lần, ngay cả sau khi lửa đã tắt một thời gian.
Do đặc thù của cụm pin lithium-ion – loại phổ biến nhất hiện nay ở xe điện, việc chữa cháy không hề đơn giản.
Nhiên liệu cần có oxy để cháy, nên để chữa cháy thì cần giảm nồng độ oxy (bằng N2/CO2/foam) hoặc hạ nhiệt đám cháy (bằng khí FM-200/Novec 1230).
Trong khi đó, cháy pin lithium-ion là do phản ứng hóa học, dịch chuyển ion âm-dương bên trong cụm pin, nên không cần oxy vẫn cháy và không thể dập lửa mà chỉ có thể cách ly chỗ cháy, ngăn tình trạng cháy lan, chờ kết thúc phản ứng hóa học mới hết cháy.
Cũng vì lý do này, pin lithium-ion được đóng gói tách rời thành từng viên nhỏ (cell) rồi ghép lại thành cụm để đảm bảo an toàn.
Trên thế giới đã có một số trường hợp, sau khi lửa tắt, xe điện được đưa về bãi tập kết phế thải mà 3 tuần sau bỗng cháy trở lại. Đó là do hiện tượng thoát nhiệt của pin lithium-ion, không cần tiếp xúc trực tiếp với tia lửa cũng có thể cháy nổ.
Đó là lý do mới đây, trong vụ cháy tàu biển chở khoảng 500 chiếc ô tô điện, các chuyên gia cứu hộ ở Hà Lan đã phải ngâm một chiếc Mercedes-Benz EQE bị cháy xém trước đó vào bồn nước lớn để kiểm soát nhiệt, ngăn chặn nguy cơ xe cháy trở lại.
Ngoài việc khó kiểm soát, đám cháy xe điện dùng pin lithium-ion còn có thể sản sinh ra khí độc hại, muội than chứa oxit coban, oxit niken và oxit mangan… gây nguy hiểm cho con người và vật nuôi.
Theo: Dân Trí