Bạn đọc Tuấn Nghĩa đặt câu hỏi: Nếu tôi chỉ uống một cốc bia từ tối hôm trước mà chiều hôm sau mới lái xe ra đường thì tôi nghĩ không còn cồn trong cơ thể. Nhưng tôi vẫn lo khi đo bằng thiết bị của cảnh sát giao thông vẫn có nồng độ trên mức 0.
Trong trường hợp đó, liệu tôi có thể dùng máy đo nồng độ cồn mình tự mua để đối chứng với kết quả từ máy đo của cảnh sát giao thông hay không? Máy đo nồng độ cồn loại nào thì được cảnh sát giao thông công nhận kết quả?
Trả lời:
Theo Khoản 2 Điều 16 Nghị định 135/2021/NĐ-CP, các cá nhân có quyền cung cấp dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật cho cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền thuộc các lực lượng quy định tại Điều 18 Nghị định 135/2021/NĐ-CP, gồm:
– Cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, công an cấp xã;
– Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về giao thông vận tải đường bộ, đường sắt.
Như vậy, cá nhân có thể dùng máy đo nồng độ cồn tự mua để đối chứng với kết quả kiểm tra nồng độ cồn của cảnh sát giao thông.
Thông tin cung cấp cho cảnh sát giao thông phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định 135/2021/NĐ-CP mới được sử dụng làm căn cứ xác minh hành vi vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính:
– Thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012;
– Không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức theo quy định của pháp luật;
– Phản ánh khách quan, chính xác, trung thực về hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm;
– Đáp ứng yêu cầu về thời hạn sử dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 135/2021/NĐ-CP.
Cá nhân, tổ chức cung cấp dữ liệu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực, nguyên vẹn của dữ liệu đã cung cấp và hợp tác với người có thẩm quyền giải quyết khi được yêu cầu.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại máy đo nồng độ cồn được rao bán, với giá chỉ từ vài trăm nghìn đồng, nhưng phần lớn không có tem kiểm định.
Trong khi đó, theo Thông tư 07/2019/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ, phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở có chu kỳ kiểm định là 12 tháng. Máy đo nồng độ cồn đạt tiêu chuẩn phải dán tem kiểm định và còn trong thời hạn giá trị ghi trên tem.
Ngoài ra, các thiết bị đo nồng độ cồn trong hơi thở phải đáp ứng tiêu chuẩn kiểm định theo văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam ĐLVN 107:2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ, được cấp chứng chỉ kiểm định như tem kiểm định, dấu kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định theo quy định.
Theo: Dân Trí